Chứng khoán thủng đáy, trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại, nguồn vốn ngân hàng thì hoặc bị siết, hoặc lãi suất quá cao. Cả 3 “nguồn sống” của thị trường bất động sản đang gần như… đụng tường.
Hôm qua, đã có một văn bản từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) được gửi lên Thủ tướng kiến nghị một số giải pháp gỡ khó khi mà thị trường bất động sản đang “đứng trước khả năng rơi vào suy thoái”.
Theo HoREA, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang phải thu hẹp, dừng, hoãn đầu tư, thi công xây dựng; dừng triển khai dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO…
Hậu quả của việc “dừng” gần như hầu hết các hoạt động là việc tinh giản. Theo HoREA, có những tập đoàn, doanh nghiệp đã giảm đến 50% lực lượng lao động.
Trao đổi với Lao động, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa đã nói về: sự chững lại đáng lo ngại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp… khiến nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán dư nợ trái phiếu chuẩn bị đáo hạn.
Nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp là dòng vốn chính của thị trường bất động sản. Nhưng trong 7 tháng qua, doanh nghiệp bất động sản toàn quốc chỉ phát hành được có 45.000 tỉ đồng.
Và trong khi có tới 120 ngàn tỉ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay và 360 ngàn tỉ trong giai đoạn 2022-2024.
Áp lực cực lớn. Tiềm ẩn những nguy cơ.
Và đúng là các doanh nghiệp trước sự sụt giảm khủng khiếp của thanh khoản, thậm chí “có thể mất thanh khoản” đang phải thực hiện những biện pháp mà HoREA gọi là “đau đớn”.
Chẳng hạn phải “bán bớt” tài sản, dự án với chiết khấu sâu thậm chí đến 40% giá hợp đồng, chấp nhận rủi ro vì đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Chẳng hạn một số “đói vốn” đến mức phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, và đầy rủi ro.
Vậy là cả 3 nguồn vốn chính là chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và vốn ngân hàng đều đang như những nút cổ chai đẩy thị trường bất động sản vào thế đụng tường về vốn, bất động về hoạt động và đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái.
Mong là kiến nghị, hoặc “lời kêu cứu” sẽ được lắng nghe để có điều chỉnh.
Chứ chỉ tính 45 doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán mà đã ghi nhận đến 273.373 tỉ đồng hàng tồn khó, chiếm quá nửa giá trị tài sản. Chứ hàng trăm ngàn tỉ trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn từ sang năm… Điều đó sẽ là áp lực cực lớn nếu thế “đụng tường” không được giải quyết từ hôm nay.
Chúng ta đã có bài học rồi. Chính sách “tiền tệ thắt chặt” đột ngột từng khiến thị trường bất động sản lập tức rơi vào “đóng băng” trong giai đoạn 2011 đó thôi.
Kindness theo Lao Động