Hà Nội yêu cầu lập kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm và xử lý các sai phạm, tiêu cực liên quan 6 “siêu dự án” sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả hoặc lãng phí.
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 168 nhằm triển khai Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14.4.2023 của Chính phủ về việc thực Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo kế hoạch, UBND TP.Hà Nội giao Thanh tra thành phố chủ trì làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11.10.2022 của Đoàn giám sát Quốc hội.
Đặc biệt, Kế hoạch số 168 yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm và xử lý các sai phạm, tiêu cực, thất thoát đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan 6 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả hoặc lãng phí (được nêu tại Phụ lục số 1 kèm theo Nghị quyết số 74/2022/QH15).
6 dự án này bao gồm: Dự án Nhà ở sinh viên cụm trường tại khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp; Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; Dự án Bảo tàng Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
UBND TP.Hà Nội giao Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn chủ trì, chỉ đạo Sở KH-ĐT lập kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm và xử lý các sai phạm, tiêu cực… đối với 6 dự án nêu trên; thời gian hoàn thành trước ngày 31.7.
Trong 6 dự án, có Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội vừa phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 32.910 tỉ đồng lên hơn 34.800 tỉ đồng; đồng thời điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009 – 2022 thành 2009 – 2027 (kéo dài thêm 5 năm).